việc làm

Sang Nhật Làm Việc Người Lao Động Trở Về Nước Gặt Hái Nhiều Thành Công

Có khát vọng sẽ thành công

Vào năm 2002, anh Nguyễn Ngọc Trung tốt nghiệp ngành cơ khí chế tạo máy Trường ĐH sư phạm kỹ thuật TP- Hồ Chí Minh. Ngày đó tôi có thể tìm kiếm việc làm ổn định tại TP-Hồ Chí Minh nhưng tôi vẫn muốn sang Nhật làm việc để nâng cao chuyên môn, kiếm thật nhiều tiền để về quê lập nghiệp. Do đó, tôi quyết định đăng ký đi Nhật làm việc.

Sau mấy năm làm việc miệt mài ở Nhật Bản, anh học hỏi kỹ năng nghề nghiệp, trao dồi tiếng Nhật để tích luỹ kinh nghiệm. Nhận thấy những tố chất tốt đẹp của anh nhân viên trẻ, vị giám đốc công ty nơi Trung làm việc đã “để mắt” Trung cho kế hoạch đầu tư lâu dài ở Việt Nam của mình.

“ Ngài giám đốc yêu cầu tôi lau máy sáu tháng, mài dao sáu tháng, …Cho đến năm cuối hợp đồng mới dạy nghề và truyền hết kinh nghiệm cả đời mình cho tôi. Lúc đầu tôi không biết mình đang bị thử thách, nên vẫn cứ cố gắng làm việc. Cuối năm, giám đốc mời tôi lên yêu cầu về Việt Nam tìm mặt bằng để dựng nhà xưởng, lo thủ tục đầu tư kinh doanh. Hiện tại Trung đang làm giám đốc công ty liên doanh sản xuất linh kiện chính xác ở huyện Củ Chi, TP-Hồ Chí Minh. ”

Theo tấm gương của anh trai, Nguyễn Trung Hiếu cũng khăn gói sang Nhật làm việc năm 2006 và Hiếu làm tại công ty Tsukara. Ba năm sau khi kết thúc hợp đồng, Hiếu được giám đốc mời lên gặp và đề xuất cho anh hai phương án: Một là, ở lại Nhật làm quản lý với mới lương cao; Hai là, về Việt Nam giúp công ty quản lý, thiết lập chi nhánh đầu tư. “Tôi cũng đắn đo, cân nhắc và nhìn tấm gương thành công của anh trai tôi quyết định về nước lập nghiệp.” Anh Hiếu đang làm giám đốc chi nhánh Công ty Tsukara  ở huyện Củ Chi và anh cũng thành lập công ty của mình để nhận thầu dự án công ty Tsukara .

Trải lòng về những việc làm để gặt hái thành quả như ngày hôm nay, anh Trung và anh Hiếu cho biết: “Làm việc với người Nhật Bản lòng trung thành, tính cần cù, nhẫn nại phải được đặt lên hàng đầu, không có chuyện ‘một bước lên trời’ mà phụ thuộc vào thành quả đóng góp cho công ty trong thời gian dài thì sẽ được đền đáp xứng đáng. Như mới lúc đầu vào làm chúng tôi cũng chỉ nhận được mức lương của công nhân bình thường thôi. Dần dần chúng tôi mới được cất nhắc lên vị trí cao hơn, mức lương cũng tăng dần vì ban giám đốc nhận thấy chúng tôi có năng lực, đam mê công việc, làm việc có trách nhiệm, giỏi tiếng Nhật,… Những điều này giúp tạo niềm tin với ban giám đốc. ” Ngoài vị trí giám đốc chi nhánh nhà máy, anh Trung còn được công ty mẹ tặng 20% cổ phần chi nhánh nhà máy Củ Chi.

Những người khó thay thế

Anh Đỗ Văn Tiên sinh năm 1975, anh sang Nhật Bản năm 2005, nhờ tinh thần vượt khó, ham học hỏi nên anh được công ty chú ý bồi dưỡng tất cả các khâu trong qui trình sản xuất, kỹ năng quản lý, tiếng Nhật,… để đưa về Việt Nam làm quản lý công ty con. Năm 2008 anh Tiên được công ty bố trí làm tổ trưởng tổ kỹ thuật công ty Seebest (khu công nghiệp VSIP 1, Bình Dương). Qua quá trình phấn đấu không mệt mỏi, cùng sự tín nhiệm của lãnh đạo công ty anh đã giữ vị trí trưởng phòng kỹ thuật kiêm bảo trì với mức lương trên 30 triệu/ tháng.

Tổng Giám đốc Công ty Seebest, Ngài Tanoi Junichi chia sẻ: “Anh Tiên có trình độ tương đương kỹ sư Nhật, trung thành, giỏi chuyên môn, tận tâm với công ty, anh ấy có thể làm mọi thứ trong qui trình sản xuất của công ty. Những việc làm bao năm qua của anh Tiên được công ty ghi nhận, đánh giá rất cao, anh ấy là người không thể thay thế được. Nếu muốn tìm được người như thế chúng tôi phải bỏ ra 10 năm đào tạo mới có được.”

Ngài Hidetoshi Hasegawa, Giám đốc Công ty Tanaka (kcn Nhơn Trạch 2, tỉnh Đồng Nai),  phát biểu: “Ở công ty chúng tôi có anh Bùi Văn Quang từng là thực tập sinh bên Nhật, được công ty đưa về làm việc ở chi nhánh Đồng Nai; anh Quang có năng lực tương đương kỹ sư Nhật Bản; hiện anh đang giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật. Về tương lai khi công ty  đi vào hoạt động ổn định, anh Quang sẽ là ‘lãnh đạo chủ chốt’ của chi nhánh Đồng Nai. ”

Ba cô gái từng xuất khẩu lao động về nước các cô được TNHH Tiger Việt Nam (kcn Amata, TP-Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) tuyển dụng. Họ đã cố gắng làm việc và có được vị trí quan trọng trong công ty. Nguyễn Thị Mỹ Duyên, sinh năm 1983 làm tổ trưởng tổ quản lý chất lượng; Nguyễn Thị Cam Tân, sinh năm 1983 làm tổ trưởng tổ xuất nhập khẩu; Hoàng Thị Liên sinh năm 1985 làm trợ lý Tổng giám đốc. Ngài Nobuyasu Ohashi, CEOCông ty TNHH Tiger Việt Nam cho biết: “Những cô gái Việt Nam này đều là thực tập sinh bên công ty mẹ, khi trở về nước được mời vào làm việc ở công ty con. Họ giỏi tiếng Nhật, có năng lực, có tinh thần cầu tiến. Tôi tin rằng nhờ sự đóng góp của các cô gái này và những thực tập sinh khác sẽ giúp công ty phát triển nhanh hơn .”

Doanh Nghiệp Đồng Nai Vẫn Khó Tuyển Nhân Viên Kỹ Thuật

Nhiều công ty sản xuất, kỹ thuật ở các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai gặp  khó khăn khi chưa tuyển đủ nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Với tình hình này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

* Khó tuyển

Một cán bộ phòng hành chính nhân sự của công ty chuyên về trang trí nội thất, thiết kế sân vườn, sản xuất gạch bê tông có văn phòng tại thành phố Biên Hoà chia sẻ: “Công ty chúng tôi có 12 nhân viên kỹ thuật và 6 thợ cơ khí làm việc; mấy tháng nay công ty đăng tin tuyển dụng 3 vị trí là nhân viên kỹ thuật, kỹ sư cơ khí chế tạo máy, nhân viên thiết kế – tạo khuôn mẫu mà cũng chưa tuyển được người phù hợp với tiêu chỉ ban lãnh đạo đưa ra.”

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, phó phòng nhân sự Công ty FGL (khu công nghiệp Biên Hoà 2) phát biểu: “Công ty đang tuyển 6 nhân viên kỹ thuật chuyên ngành may mặc, có trình độ từ cao đẳng trở lên. Ngoài đòi hỏi chuyên môn vững còn bắt buộc ứng viên phải thành thạo 4 kỹ năng tiếng Anh bởi các tài liệu, công việc liên quan đều sử dụng tiếng Anh. Bộ phận nhân sự cũng nhận được hồ sơ xin việc nhưng các bạn ứng viên chưa đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ ở vị trí này.”

Theo cán bộ phụ trách nhân sự Công ty tnhh Bosch Việt Nam (khu công nghiệp Long Thành) cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay công ty tuyển nhân viên kỹ thuật để vận hành, bảo trì dây chuyền sản xuất. Chúng tôi cử cán bộ tuyển dụng lên Sàn giao dịch việc làm TP-Biên Hoà để tuyển người, đăng tuyển web việc làm online, treo băng rôn tuyển lao động,…Tuy nhiên số người nộp cv chưa phù hợp yêu cầu công việc .”

* Tốt nghiệp đại học vẫn không làm được việc

Ông Lương Ngọc Hồi,  Phó tổng giám đốc công ty của Đài Loan chuyên sản xuất đồ gỗ (khu công nghiệp Biên Hoà 1) cho biết: “Công ty có 2.000 nhân viên, trong đó có 200 nhân viên kỹ thuật làm việc trực tiếp ở xưởng sản xuất. Năm nay chúng tôi tuyển dụng nhân viên kỹ thuật khó khăn hơn các năm trước vì công ty đưa ra tiêu chuẩn cao hơn. Nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp ở một số trường đại học chuyên ngành kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí,…Nhưng sau hai tháng thử việc bộc lộ yếu kém như không có kiến thức kỹ thuật cơ bản, không biết vận hành máy móc hiện đại, không biết bảo dưỡng khắc phục sự cố, không có tinh thần ham học hỏi, kỹ năng mềm còn thiếu,… Do đó công ty phải đào tạo lại nhưng cuối cùng cũng phải chuyển các bạn ấy sang bộ phận kỹ thuật khác.”

Trưởng phòng hành chính nhân sự một công ty ở khu công nghiệp Biên Hoà 1 phát biểu: “Các công ty ở cùng lĩnh vực kinh doanh, cùng địa bàn Đồng Nai vẫn cạnh tranh với nhau để thu hút lao động kỹ thuật giỏi. Đa phần ứng viên giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ bên mảng kỹ thuật thường thích làm việc ở khu công nghệ cao, các tập đoàn lớn ở TP-Hồ Chí Minh vì những công ty này có môi trường làm việc chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ rất cao và các bạn nhân viên đã có gia đình muốn con mình được theo học trường quốc tế ở TP- Hồ Chí Minh nên rất khó tác động để họ chuyển việc xuống Đồng Nai,…”

Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc sở lđtb và xh Đồng Nai phát biểu: “Cuộc cách mạng công nghệ  lần thứ 4 đặt ra yêu cầu sống còn là doanh nghiệp sử dụng lao động nếu muốn tồn tại, phát triển thì phải giảm lao động tay chân tăng tự động hoá. Do đó sẽ có nhiều dây chuyền thiết bị hiện đại được lắp đặt để thay thế dần lao động giản đơn. Để lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp trang thiết bị này không ngoài ai khác là lao động kỹ thuật cao nên nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật trình độ cao ngày càng tăng.”

Nâng cao chất lượng nhân lực kỹ thuật đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, theo Tiến Sĩ Lê Văn Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ CN quốc tế Lilama 2 cho biết: “Đầu tiên phải thay đổi quan niệm học trường nghề là thấp kém, chạy theo bằng cấp để cuối cùng ra trường mà không xin được việc làm hoặc có việc làm nhưng không đủ năng lực để làm việc gây lãng phí lớn cho xã hội. Tiếp đến là đầu tư trang thiết bị, máy móc thực hành để phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập và giảng dạy; Đào tạo có trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường nghề bằng hình thức cử đi học ở các trường nghề danh tiếng nước ngoài; Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các chương trình đào tạo tiên tiến đã được triển khai thành công ở những nước như Đức, Nhật, Pháp,… Đó là xu thế tất yếu nếu trường nghề muốn tồn tại và phát triển.”